Nghề đan lưới thay đổi quê hương

01/07/2024 11:00

Khấm khá nhờ nghề cổ truyền

Nằm gần ngay tuyến quốc lộ 1A, bước vào thôn Trần Phú người ta có thể nhận thấy ngay một không khí buôn bán tấp nập, nơi trở thành đầu mối cung cấp số lượng lớn và đa dạng các loại lưới, không chỉ cho miền bắc mà trên cả nước. Thôn có hơn 900 hộ dân thì gần như 90% số gia đình có người tham gia làm nghề đan lưới. Trong đó, có khoảng 40 cơ sở sản xuất quy mô vừa và lớn, còn lại các hộ tham gia vào công đoạn khác… Anh Đinh Văn Tri (44 tuổi), chủ một xưởng sản xuất lưới gia đình trong thôn, cho biết: “Từ ngày các cụ truyền nghề tơ lưới đánh cá lại cho tôi tới nay đã hơn 20 năm. Trước đây, các cụ nhà tôi chuyên sản xuất lưới bén đánh bắt tôm, cá ở đồng, sông hồ cho tới biển. Hiện tại, cả nhà không chỉ làm các loại lưới truyền thống mà còn cải tiến nhiều loại mẫu mã và kết hợp máy móc hỗ trợ. Sản phẩm được các khách đặt nhiều nhất tại xưởng nhà tôi là loại lồng bát quái. Mỗi tháng, cơ sở chúng tôi xuất đi các tỉnh khoảng 3.000-4.000 chiếc lưới với giá trung bình khoảng 150 nghìn đồng/chiếc”.

Cũng theo chia sẻ của anh Tri và nhiều chủ hộ sản xuất lưới khác, ngày trước việc bán lưới dựa chủ yếu vào các đầu mối đổ buôn quen lâu năm phía bắc như Từ Sơn (Bắc Ninh), Bắc Kạn, Sơn La… Sau này cùng với sự phát triển của internet và điện thoại thông minh, việc buôn bán online phát triển mạnh nhờ thị trường mở rộng hơn. Điều này giúp đem lại công việc ổn định, thu nhập cao cho hầu như tất cả người dân trong thôn. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại để tăng năng suất, đồng thời thông qua thông tin online mà nắm bắt tốt hơn nhu cầu đa dạng của người dùng, như trường hợp của hai gia đình sản xuất lưới quy mô và có tiếng trong thôn là cơ sở sản xuất Hồng Long và Hằng Trượng.

Nghề đan lưới truyền thống nay đã được nhiều gia đình tiếp nối góp phần

cải thiện đời sống.

Theo đại diện của cơ sở sản xuất lưới Hồng Long, thời gian trước, lưới Trần Phú chủ yếu phục vụ nhu cầu đánh bắt cá, tôm thì ngày nay, nhiều hộ gia đình trong thôn còn linh hoạt sản xuất lưới cho thiết bị thể thao như lưới cầu môn bóng đá, bóng rổ, lưới giàn leo cho cây trồng, che chắn chuồng trại trong chăn nuôi… Kết quả là năm 2012, thôn Trần Phú được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Làng nghề truyền thống, xã Minh Cường đã có phương án thường xuyên nâng cao hiệu quả sản xuất làng nghề; kêu gọi đầu tư xã hội hóa xây dựng quỹ phát triển làng nghề; tổ chức tập huấn, liên kết giữa các hộ sản xuất, kinh doanh tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm dịch vụ hấp dẫn.

Song hành cũ và mới

Điều đáng nói thêm, đó là hiện tại mặc dù các xưởng sản xuất, hộ gia đình trong thôn được chia làm hai xu hướng, một là sản xuất có máy móc hỗ trợ, tập trung vào các kiểu lưới mới và lưới phục vụ đa ngành nghề, hai là hướng sản xuất thuần thủ công làm các loại lưới theo mẫu truyền thống. Nhưng cả hai vừa có thị trường tiêu thụ riêng, vừa phối hợp với nhau khi vào “mùa” bán lưới. Đến với gia đình chị Phạm Thị Hồng, một trong những hộ sản xuất vẫn trung thành theo hướng thủ công cổ truyền, có thể thấy nhiều thế hệ gia đình vẫn miệt mài đan lưới bằng con thoi trong tay.

“Để đan một tấm lưới, có rất nhiều công đoạn, như thắt sợi dường trên, thắt dường dưới, xâu lưới, thắt lưới cặp chì… Nghề này có cái hay là mọi độ tuổi, từ năm đến sáu tuổi cho tới cụ già 70 vẫn có thể làm được. Thời gian làm việc cũng rất linh hoạt. Như vậy vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi, vừa huy động được sức người. Những người thuần thục có thể đan mỗi ngày bốn tấm lưới, trung bình kiếm được khoảng 50 nghìn đồng/cái. Công việc này đòi hỏi phải chăm chỉ, tỉ mỉ và cẩn thận, bởi nếu sơ suất sẽ khiến lưới bị rách, thủng hoặc đổ màn”. Mặc dù có sự xuất hiện của máy móc, nhưng một số công đoạn đan mắt lưới phức tạp vẫn phải do bàn tay thủ công khéo của người thợ. “Chất lượng của tay nghề đan lưới được duy trì, ngay cả với những sản phẩm lưới lớn và phức tạp như lưới đánh cá ngoài khơi. Chính vì thế, nhiều khách hàng vẫn tin tưởng và lựa chọn lưới thủ công, một yếu tố quyết định sự phát triển của nghề này”, chị Hồng nói thêm.

Vào những mùa cao điểm tiêu thụ lưới, các chủ xưởng sản xuất không chỉ thuê khoán người dân trong thôn Trần Phú, mà còn phải khoán thêm cả các vùng lân cận. “Tầm khoảng đầu năm tới tháng 4, đơn hàng từ khắp nơi gửi về dồn dập khiến trẻ con thì tranh thủ học về đan cùng bố mẹ, người già thì hoàn toàn tự chủ về kinh tế nhờ đan lưới, thậm chí còn có dư để cho con cháu. Không ít thanh niên trong thôn học xong đại học vẫn trở về giúp đỡ gia đình phát triển nghề truyền thống vì thấy thu nhập tốt”, anh Tri cho biết. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi thu nhập bình quân trên địa bàn xã Minh Cường xấp xỉ 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 0,9%. Mới đây, xã Minh Cường được Đoàn thẩm định của thành phố Hà Nội đánh giá hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Nguồn: Nhandan.vn